Tin dân, dựa vào dân, hiểu thấu dân tâm là truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước nghìn năm của dân tộc ta, trở thành một giá trị tiêu biểu của nền văn hóa - chính trị Việt Nam hiện đại. Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc lên tầm cao mới, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm quy tụ sức mạnh toàn dân bằng quan điểm, đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng suốt trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng tiến tới xã hội cộng sản”. Với đường lối cách mạng đúng đắn ngay từ đầu và những khẩu hiệu đáp ứng nguyện vọng của đại đa số nhân dân, như “Độc lập dân tộc”, “Ruộng đất về tay dân cày”, “Thành lập nhà nước công - nông - binh”... Đảng ta đã tập hợp, quy tụ được sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân dưới ngọn cờ của mình và được thử nghiệm qua cuộc tổng diễn tập đầu tiên bằng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.
Năm 1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, với nhãn quan chính trị sâu sắc, Đảng ta đã nhận định và thống nhất nhận thức: “Tình hình Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng, vấn đề ấy hoàn toàn mau hay chậm là tùy tình hình thế giới và năng lực của các đồng chí”. Từ đó, thống nhất ý chí và hành động của Đảng hợp với ý nguyện dân chúng và phù hợp với tình hình đất nước: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”. Mọi vấn đề của cuộc cách mạng, kể cả vấn đề ruộng đất, cũng phải nhằm mục đích ấy mà giải quyết. Khẩu hiệu cách mạng ruộng đất phải tạm gác lại và thay vào đó là khẩu hiệu chống địa tô cao, chống cho vay nặng lãi, tịch thu ruộng đất của thực dân, đế quốc và địa chủ phản lại quyền lợi dân tộc chia cho dân cày nghèo. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị ấy, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận phản đế Đông Dương, thu hút tất cả các dân tộc, giai cấp, đảng phái và cá nhân yêu nước ở Đông Dương nhằm chống chiến tranh đế quốc, chống phát-xít, đánh đổ đế quốc Pháp và bè lũ tay sai, giành lại độc lập hoàn toàn cho các dân tộc ở Đông Dương.
Cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của cách mạng trong nước, tháng 1 - 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) được tổ chức ở Pắc Bó, Cao Bằng, dưới sự chủ trì của Người. Hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Nội dung này, một lần nữa khẳng định nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, được đặt lên hàng đầu: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị cũng chỉ rõ lực lượng cách mạng bao gồm: tất cả những ai có lòng yêu nước thương nòi, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư sản bản xứ. Để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng lên đánh Pháp - Nhật, Hội nghị quyết định thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” gọi tắt là Việt Minh. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, đưa ra chương trình cứu nước với mục tiêu: làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng, tự do.
Nhờ chiến lược đúng đắn, sát hợp này, Đảng ta đã tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân rộng rãi và mạnh mẽ, mà hạt nhân của nó là Mặt trận Việt Minh với một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ các làng xã lên đến Tổng bộ. Quan điểm bạo lực cách mạng để giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng 8-1945 luôn được coi trọng. Từ căn cứ cách mạng đến chiến khu, khu giải phóng; từ tuyên truyền vũ trang đến vũ trang tuyên truyền; từ đội quân chủ lực của cách mạng đến vũ trang toàn dân; từ khởi nghĩa từng phần, từng địa phương đến tổng khởi nghĩa trên cả nước; những biểu hiện đó của lịch sử đều nằm trong quá trình vận động cách mạng, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa do Đảng ta lãnh đạo.
Vì vậy, trong những ngày tiến hành Cách mạng Tháng 8 - 1945, đại bộ phận các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ đường lối cách mạng và kiên quyết đi theo ngọn cờ quang vinh của Đảng, đánh đổ đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc. Sức mạnh “dời non, lấp biển” mà Đảng ta có được trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8 - 1945 chính là từ sức mạnh của nhân dân và cũng chính điều này đã khiến cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi mau chóng trên cả nước. Hoạt động trong vòng bí mật, cán bộ, đảng viên các cấp của Đảng từ Trung ương xuống đến các tỉnh, huyện, xã đều nhận được sự đùm bọc, che chở của nhân dân. Những lúc bình thường, dân nuôi, dân giấu, dân canh gác cho cán bộ cách mạng họp hành, làm việc. Khi quân thù vây ráp, bà con chỉ lối cho cán bộ thoát vòng vây hoặc tìm cách đánh lừa địch. Vùng an toàn khu của Trung ương ở Phúc Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Đông, Đông Anh, Chèm, Mai Lĩnh, mặc dù ngay sát trung tâm đầu não hoặc đồn bốt của địch, nhưng vẫn được an toàn; đó là do nhân dân hết lòng bảo vệ. Các gia đình cơ sở cách mạng từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống miền xuôi, nông thôn đến thành thị đều hết lòng nuôi, giấu và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng. Cũng chính từ các “cơ sở trong lòng dân” đó, những nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Trung ương và các cấp cơ sở ra đời. Trong buổi đầu thành lập, hầu hết các đội vũ trang cách mạng từ núi rừng Việt Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ, từ núi rừng Ba Tơ ở miền Trung Nam Bộ đến Đồng Tháp, Cà Mau... đều được nhân dân giúp đỡ: vũ khí do dân trang bị, quần áo do dân sắm, lương thực nuôi quân do dân cung cấp. Quần chúng không chỉ ủng hộ, mà còn trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa. Những biểu hiện của lực lượng chính trị, đấu tranh chính trị trong Cách mạng Tháng 8 - 1945 cho chúng ta thấy rõ điều đó. Ngày 19 - 8, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường khởi nghĩa và giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội. Ngày 23 - 8, tại Huế, hàng chục vạn nhân dân xuống đường mít tinh, tuần hành, buộc chính quyền Trung ương của địch phải đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến ở Việt Nam. Tại Sài Gòn, ngày 25 - 8, hàng triệu nhân dân khởi nghĩa, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, lập chính quyền cách mạng.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng phải là quần chúng được giác ngộ và tổ chức. Với vai trò là đội tiền phong của giai cấp công nhân và của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc điều đó và trong thực tế hoạt động của mình, đã phát huy khả năng to lớn của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, tạo ra sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8 - 1945. Bài học về ý Đảng, lòng dân làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 - 1945 còn mang giá trị thời sự nóng hổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước XHCN của chúng ta hôm nay. Nhân dân luôn một lòng tin tưởng vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất trí với Đảng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng ta luôn hết lòng vì nhân dân. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng là sự nghiệp của quần chúng. Mục tiêu và lợi ích của Đảng thống nhất với mục tiêu, lợi ích của quần chúng. Chỉ duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam mới đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc; thực hiện được mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hơn bảy mươi năm qua, trong Cách mạng Tháng 8 - 1945, Đảng ta có 5.000 đảng viên, nhưng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa. Ngày nay, Đảng ta có trên 4 triệu đảng viên, tức là gấp khoảng 700 lần so với thời kỳ Cách mạng Tháng 8 - 1945, mối quan hệ giữa dân với Đảng ngày càng được củng cố, “ý Đảng, lòng dân” quyện chặt và gắn bó máu thịt... Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng tổng kết lý luận và thực tiễn, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại như: Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) khoá VIII, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) trong đó, đặc biệt phải kể đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)… đã cho thấy sự nhận diện của Đảng ta khá đầy đủ, sắc nét về thực trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta là: nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Nhận diện đúng là để qua đó mỗi cá nhân và tổ chức trong Đảng có thể tự soi mình. Nhận diện đúng là để suy ngẫm và hành động. Không phải để bi quan hay nhụt chí, mà là để sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mới rất quyết liệt trong thời gian tới, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, vì lòng tin của nhân dân. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, “Ý Đảng, lòng dân” sẽ được củng cố vững chắc hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nhân dân ta tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng - coi đây là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận :