Thực hiện đổi mới dạy học Ngữ văn năm học 2016 – 2017
Những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn trong năm học 2016 – 2017 và những lưu ý quan trọng trong ôn tập môn học này cho kỳ thi THPT quốc gia.
1. Đặc biệt chú ý phát huy năng lực ngôn ngữ
Một trong những lưu ý quan trọng với các trường trong dạy học môn Ngữ văn cấpTHPT năm học 2016-2017 là tổ chức dạy học cần bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng và phù hợp với đối tượng học sinh.
Trong đó, lưu ý căn cứ chương trình giáo dục phổ thông , hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng, sách giáo khoa, xác định mục tiêu bài học và tổ chức dạy học theo đúng mục tiêu bài học đã được xác định. Đặc biệt chú ý phát huy năng lực ngôn ngữ cho học sinh trong việc đọc hiểu cũng như tạo lập văn bản.
Tùy thuộc vào đối tượng học sinh, giáo viên triển khai nội dung bài học phù hợp. Đối với học sinh khá, giỏi có thể mở rộng, nâng cao (bằng việc so sánh, đối chiếu) hoặc hướng dẫn phân tích vấn đề có chiều sâu. Đối với học sinh yếu kém chỉ cần dạy đúng, dạy đủ các đơn vị kiến thức, không vượt quá chuẩn quy định.
Ngoài việc phải bảo đảm nội dung bài học được thể hiện trên giáo án đáp ứng được mục tiêu bài học đã được xác định, giáo viên cần quan tâm đến các chuyên đề tự chọn bám sát để củng cố kiến thức và chuyên đề nâng cao để bồi dưỡng học sinh khá, giỏi.
2. Đổi mới phương pháp dạy học, tránh biến giờ Văn thành “chiếu - chép”
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học môn Ngữ văn cần phải quan tâm đến hiệu quả của việc ứng dụng, tránh biến giờ dạy học Ngữ văn có ứng dụng công nghệ thông tin trở thành giờ “chiếu - chép” kém hiệu quả.
Đổi mới phương pháp dạy học cốt yếu là để nâng cao chất lượng dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, không có nghĩa là giúp học sinh ghi lại nội dung bài học trong Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng hoặc lên lớp chỉ chú trọng một vài phương pháp dạy học mới như thảo luận nhóm, nêu vấn đề...
Điều quan trọng là phải vận dụng, kết hợp các phương pháp dạy học (kể cả phương pháp dạy học truyên thông) phù hợp với đặc trưng bộ môn, giúp học sinh khám phá, lĩnh hội kiến thức một cách chủ động, nhằm phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Đặc biệt chú ý dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Đổi mới phương pháp dạy học cần chú trọng hơn nữa chuẩn về kĩ năng, nhất là hoàn thiện kĩ năng đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại. Dạy đọc - hiểu văn bản cần đặc biệt quan tâm tổ chức đọc văn bản (nắm được cốt truyện, tình tiết, diễn biến, ngôn ngữ... đối với truyện; nắm được mạch cảm xúc, hình ảnh, giọng điệu... đối với thơ;...). Từ đó, định ra hướng phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại nhằm đáp ứng đầy đủ chuẩn về kiến thức, kĩ năng.
Dạy tập làm văn cần củng cố về phương pháp làm văn như phân tích đề chính xác để tiến hành xây dựng, tổ chức bài làm cho phù hợp với yêu cầu của đề bài.
Về Tiếng Việt, cần nắm vững lí thuyết và biết vận dụng làm tốt các bài tập trong sách giáo khoa và các bài tập tương tự khác.
3. Nâng cao chất lượng từ hoạt động tổ chuyên môn
Vai trò của đổi mới hoạt động tổ chuyên môn với dạy học Văn. 5 vấn đề cần lưu ý với nội dung này.
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp với điều kiện dạy - học tại địa phương.
Thứ 2: Thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm trong việc ra đề kiểm tra thường xuyên và định kì theo đúng tinh thần đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực, nhằm tác động đến học sinh, giúp học sinh tự điều chỉnh phương pháp học tập môn Ngữ văn cho phù hợp.
Đồng thời, cũng qua kết quả học tập của học sinh, giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp năng lực của học sinh để đạt kết quả tốt nhất.
Thứ 3:Trong sinh hoạt tổ chuyên môn, cần chú trọng sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để qua đó, tìm hiểu năng lực của học sinh (nhất là năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực đọc hiểu và tạo lập văn văn bản...) để tìm kiếm giải pháp về cách thức tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp với năng lực học tập của học sinh.
Thứ 4: Nội dung bài soạn của giáo viên phải thể hiện đúng, đủ các đơn vị kiến thức (theo kiến thức, kĩ năng) và cách tổ chức dạy học hợp lí. Đặc biệt đối với lớp 12, việc tổ chức ôn tập tham dự kì thi THPT quốc gia cần hệ thống hóa kiến thức (giúp học sinh nhớ và nhớ một cách chính xác); hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức trong làm bài thông qua các câu hỏi ôn tập và giúp học sinh nắm vững kiến thức về tiếng Việt để từ đó vận dụng có hiệu quả trong đọc hiểu cũng như tạo lập văn bản.
Thứ 5: Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn định hướng, góp ý, điều chỉnh nội dung giáo án (theo bài học, tiết học) của giáo viên trong tổ trước khi lên lớp và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện dạy học thông qua việc thường xuyên kiểm tra giáo án, dự giờ và dự giờ không báo trước khi cần thiết.
4. Lưu ý ôn thi THPT quốc gia
Những lưu ý cho giáo viên khi hướng dẫn học sinh ôn luyện môn thi Ngữ văn.
Cụ thể, cần hệ thống hóa kiến thức theo các lĩnh vực: Văn học (lịch sử văn học, đọc - hiểu văn bản văn học theo thể loại, lí luận văn học); tiếng Việt; làm văn... nhằm giúp học sinh dễ nhớ, nhớ lâu hơn.
Đưa ra các bài tập mang tính khái quát để hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức trả lời câu hỏi đọc hiểu văn bản hoặc tạo lập văn bản (nghị luận văn học, nghị luận xã hội). Từ đó hoàn thiện kĩ năng vận dụng kiến thức của học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới thi cử.
Hướng dẫn sử dụng tốt sách tham khảo hợp lí, giúp học sinh học tập cách tổ chức bài làm, lối diễn đạt trong sáng, cách lập luận chặt chẽ.... Đặc biệt hướng đến loại đề mở nhàm tạo điều kiện, giúp học sinh trình bày một vấn đề theo cách nhìn, cách hiểu và cách trình bày mang tính cá nhân, sáng tạo giải quyết đề bài theo hướng mở. Tuyệt đối không bắt học sinh học thuộc lòng bài mẫu.
Hải Bình ghi- LVS sưu tầm và lược trích
Bình luận :