Ngoại khóa với chủ đề "Bình đẳng giới" của trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai
Dù bước ra từ trong ca dao, thơ văn hay đời thường thì chúng ta luôn tự hào về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam là những hình ảnh đẹp- duyên dáng, đảm đang, giàu đức hi sinh…
Từ trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã chịu tác động sâu sắc và lâu dài của những quan niệm truyền thống về tôn ti trật tự trong gia đình, về vị trí của người phụ nữ trong thang bậc địa vị xã hội phong kiến. Mỗi phụ nữ Việt Nam từ khi sinh ra, gần như đã được đặt sẵn trong một “khuôn phép” gia đình. Vì những giá trị truyền thống đó, họ như mặc nhiên thừa nhận và sẵn sàng hy sinh cả sự tiến bộ, hạnh phúc của mình để làm tròn vai trò chăm sóc gia đình. Những quan niệm đó đã và còn bám rễ trong tâm thức, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của cả nam giới và nữ giới trong mọi tầng lớp của xã hội. Và được thể hiện từ chuyện trọng nam trong quan niệm sinh con trai, con gái đến việc coi thường năng lực của phụ nữ trong mọi công việc xã hội nói chung.
Ngày nay, phần đông người Việt Nam vẫn quan niệm rằng, con trai gắn liền với những giá trị biểu trưng truyền thống liên quan nối dõi tông đường và thờ cúng tổ tiên, còn con gái chỉ liên quan đến các công việc thực tế hơn: sinh nở, chăm sóc chồng, chăm sóc cha mẹ...
Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã nỗ lực mang lại bình đẳng giữa mọi người, để con người thật sự được sống trong một xã hội văn minh, phát triển bền vững và nhân văn. Chính vì vậy, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, được cộng đồng thế giới đánh giá và ghi nhận
Với chủ đề hoạt động ngoại khóa “ Bình đẳng giới” của các chi đoàn 11A1, 11A2, 11A3, 10A5, 10C1 đã để lại cho thầy và trò trường ta những ấn tượng sâu sắc về sự óc sáng tạo của các em học sinh trong việc tuyên truyền góp phần thay đổi định kiến giới và kêu gọi sự chung tay thực hiện việc bình đẳng giới.
Trên sân khấu của hoạt động này các em đã tái hiện một khía cạnh đời thường tồn tại sự bất bình đẳng mà có lẽ trong chúng ta ai cũng đã mắt thấy tai nghe – sinh con trai nối dõi tông đường, con trai được đầu tư ăn học… hay những quan niệm mang nặng định kiến giới vẫn tồn tại trong các gia đình Việt ngày nay và xã hội như con gái thì phải thế này/ con trai thì phải thế kia; con gái được làm cái này/ con trai được làm cái kia…
Có thể nói, buổi ngoại khóa đã rất thành công khi mang lại nhiều tiếng cười vui vẻ bởi sự hài hước, hóm hỉnh của các “diễn viên” không chuyên nhưng nó cũng không kém phần sâu cay, chua xót khi phơi bày ra những hiện thực vẫn còn tồn tại của việc bất bình đẳng: bạo lực gia đình, trọng nam khinh nữ, tước đi những cơ hội và sự thụ hưởng của người phụ nữ trong một số lĩnh vực…
Kết hợp trong các tiết mục nhảy, hoạt cảnh, trò chơi là sự nhiệt tình của sức trẻ trường Cao Bá Quát với những thông điệp hết sức nhân văn, thiết thực đã góp phần lan tỏa không nhỏ thông điệp của với nội dung “ Bình đẳng giới” mà các chi đoàn mong muốn truyền tải.
Kết thúc chương trình là bài hát “ Nối vòng tay lớn” với ý nghĩa kết nối tất cả mọi người cùng chung tay nỗ lực thực hiện “ bình đẳng giới” đã nhận được sự hưởng ứng của tất cả những người tham dự. Tôi tin rằng sau hoạt động ý nhĩa như vậy những thay đổi tích cực sẽ nảy nở. Thay cho lời kết, xin trích dẫn hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“ Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau”
Thực hiện Nguyễn Thị Thắm- Nguyễn Thị Lệ Thu
Bình luận :