Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017): Chuyện xúc động về tình cảm của Bác Hồ với miền Nam

Cuộc trường chinh 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc, một nửa đất nước sạch bóng ngoại xâm, song cả dân tộc vẫn chịu nỗi đau chia cắt do âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ. Làm sao để thống nhất đất nước, non sông nối liền một dải là nỗi trăn trở lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những câu chuyện lịch sử ghi lại cho thấy, trong tim của Bác Hồ không lúc nào không nhớ tới miền Nam.

"Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà"

Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa chân thực, dễ hiểu tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, máu thịt như tình cảm cha con. Tình cảm ấy gắn liền với sự quan tâm "Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa". Bác luôn dõi theo từng bước tiến của Miền Nam.

 

Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam (ảnh tư liệu)

 

Thiếu tướng Phan Văn Xoàn là cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ từ năm 1955 đến 1969 từng chia sẻ những ký ức của mình về Bác: "Có lẽ những tình cảm yêu thương sâu nặng nhất Bác dành trọn cho đồng bào miền Nam. Cây vú sữa, tấm bản đồ, đó là những nơi Bác thường đối diện, trầm tư. Thỉnh thoảng Bác chỉ vật này hay vật kia và hỏi tôi, Bác còn bảo tôi kể chuyện đánh du kích ở Bạc Liêu cho Bác nghe và dặn: "Chú ra đây hãy cố gắng học tập thêm. Mai mốt thống nhất miền Nam còn cần nhiều cán bộ. Vào các dịp lễ Tết, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường con em miền Nam. Bác bảo: "Các cháu xa nhà, xa quê. Mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn". Vậy là Bác đi, khi thì Vĩnh Phú, lúc Hải Phòng…".

Khi đi thăm Trung Quốc, Bác nghỉ lại ở Nam Ninh, ghé thăm trường thiếu niên miền Nam của ta trên đất bạn. Lúc sắp ra về, Bác bắt nhịp bài “Kết đoàn”, các cháu thiếu nhi biết, quây tròn lại, không cho Bác về, các đồng chí công an Trung Quốc lo lắm. Một em nhỏ luồn dưới chân mọi người, tiến về phía Bác, sờ dép, sờ áo và kêu lên: “Sướng quá, mình sờ được áo ông già rồi”. Thế là các cháu khác bắt chước, cố xô lại để chạm được tay vào người Bác. Thấy vậy, các đồng chí cảnh vệ ngăn lại. Bác khoát tay cười: “Các cháu đánh du kích ta đó” và xoa đầu từng cháu một. Hồi lâu các cháu bảo nhau tự động giãn ra để Bác về nghỉ.

Cũng theo lời kể của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, năm 1962, anh Nguyễn Văn Hiếu và nhà thơ Thanh Hải được đi trong đoàn đại biểu đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm Bác. Bác bảo chuẩn bị ở vườn hoa Phủ Chủ tịch, dưới giàn hoa giấy để Bác tiếp khách. Anh Nguyễn Văn Hiếu đem theo một chiếc lọ bằng vỏ đạn kính tặng Bác và nói: "Nhân dân miền Nam luôn hướng về Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ!". Cùng tiếp đoàn với Bác có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Xuân Thủy. Đồng chí Xuân Thủy hỏi: "Thưa Bác, có quà gì tặng miền Nam không ạ?". Bác yên lặng một lúc rồi đưa tay chỉ vào phía trái tim "Quà tặng miền Nam chỉ có cái này". Mọi người xúc động, rưng rưng nước mắt.

Niềm tin thắng lợi

Hòa bình lập lại trên miền Bắc nhưng trái tim Bác chưa phút nào yên vì miền Nam còn bị quân thù giày xéo. Người luôn trăn trở khôn nguôi về miền Nam, về sự nghiệp giải phóng đất nước vẫn còn chưa hoàn tất: “Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam... không một giờ, một phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ - Diệm để cứu nước cứu nhà”.

Giải phóng miền Nam thống nhất non sông trở thành mục tiêu hàng đầu của mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi và đó cũng chính là quyết tâm không lay chuyển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. “Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh... ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng"; “Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”; “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin tạm hoãn việc trao tặng Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Liên Xô, khi Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Người nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, vì đất nước chưa được độc lập, đồng bào miền Nam vẫn khổ đau, rên xiết dưới ách kẻ thù: “Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại diện cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại”.

Tương tự, khi Quốc hội nước ta quyết định trao tặng Người Huân chương Sao vàng (tháng 5/1968), Người đã chối từ với tâm sự làm xúc động triệu triệu con tim: “Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp lại đấu tranh chống Mỹ- Diệm, đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”. Vì lẽ đó, tôi xin Quốc hội chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11 , tr.62)

Xuyên suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới (sau tháng 7/1954), Hồ Chí Minh luôn khẳng định nhiệm vụ trung tâm, trọng yếu của cách mạng Việt Nam: “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”, “phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Người kêu gọi: “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”.

Nhân thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Người căn dặn: “Thắng lợi đầu Xuân của quân và dân miền Nam đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến một tình thế mới rất có lợi! Không có gì cứu vãn nổi sự sụp đổ hoàn toàn của giặc Mỹ và tay sai! Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan. Quân địch như con thú dữ đến bước đường cùng càng giãy giụa điên cuồng, quân và dân ta càng phải tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu, đánh mạnh, đánh liên tục, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa?”. Người giữ một niềm tin sắt đá: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Những năm tháng trước khi Người đi xa, Bác vẫn đi bộ, tập leo dốc. Bác kiên trì rèn luyện để thực hiện ý định vào thăm đồng bào, đồng chí miền Nam. Ước nguyện lúc cuối đời của Bác không thực hiện được vì sức khỏe của Bác ngày càng giảm. Tuy đã mệt phải nằm trên giường bệnh, nhưng cứ sau cơn mệt nặng, lúc tỉnh lại thì câu đầu tiên của Bác hỏi là: "Hôm nay đồng bào miền Nam đã thắng đến đâu?". Bác vẫn yêu cầu được nghe tin tức, đặc biệt là tin về miền Nam và những tin quan trọng trên thế giới.

 Tại khu nhà sàn của Bác, có cây vú sữa và hai cây dừa giống từ miền Nam gửi ra và được Bác luôn chăm sóc theo cách đặc biệt của mình làm cho hai cây lớn đều. Hôm đó, Bác mệt nặng hơn, Người yêu cầu các giáo sư, bác sĩ cho uống nước dừa. Các đồng chí phục vụ đã lấy dừa và dâng lên Bác một cốc nước dừa với hai miếng cùi. Bác đã nhấp được một chút nước dừa để mang theo mình chút nước ngọt mát và ấm lành của miền Nam trước khi từ biệt thế giới này...

Bình luận :